Giá bất động sản leo thang
Báo cáo của một loạt tổ chức nghiên cứu bất động sản vừa công bố cho thấy, bước sang quý II năm nay thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt, song hầu hết phân khúc đều tăng giá hoặc ổn định. Thị trường không xuất hiện giảm giá dù cơn sốt đất đã “bay biến”.
Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, ngay từ đầu quý II/2021, Việt Nam đã đối diện đợt dịch COVID lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng, kéo dài nhiều tháng, tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng lớn cho cả nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS của các địa phương, từ đầu năm đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường thấp, mặc dù lượng cung mới các dự án BĐS hạn chế, nhưng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường vẫn duy trì cao so với các năm 2019-2020 (các sản phẩm chào bán đa phần là hàng tồn từ trước).
Tại Hà Nội, trong quý II, thống kê của JLL cho thấy giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt 4.941 USD/m2 đất (tương đương 113,7 triệu đồng). Toàn miền Bắc ghi nhận giá nhà liền thổ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 28,2% theo năm và 15,5% theo quý.
Ở Hà Nội, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở huyện Hoài Đức, lên đến 42,8% theo năm do sự gia nhập của một dự án mới có mức giá cao hơn mức trung bình toàn huyện.
Tuy nhiên, trên thực tế thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý, đó là: Lượng cầu thực giảm (thể hiện ở số lượng giao dịch giảm), nhưng tổng tiền đầu tư vào thị trường BĐS lại đang tăng mạnh. Nguyên nhân của thực tế này là do nhiều nhà đầu tư đã rút lượng tiền lớn từ các lĩnh vực khác (chứng khoán, ngoại hối, vàng…) để đầu tư mạnh vào thị trường BĐS, tìm cơ hội giao dịch. Nguồn tiền thị trường lớn, trong khi nguồn hàng khan hiếm, chính là nguyên nhân khiến giá BĐS đẩy lên, tạo ra các cơn sốt ngay từ đầu năm.
Còn theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán căn hộ tại TPHCM biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân cũng mất hẳn trên thị trường thành phố.
Giá bán biến động mạnh nhất ở khu vực TP Thủ Đức, Quận 7 và một số quận trung tâm. Cụ thể, nếu so với năm 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng gần 2 lần (năm 2019 cao nhất khoảng 35 triệu đồng/m2, hiện nay thấp nhất 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2).
“Khó xảy ra tình trạng mất thanh khoản thị trường và giảm giá. Quý III và 6 tháng cuối năm vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn, nhưng giá BĐS khó giảm sâu, chỉ dưới mức 5%. Do đó, nhà đầu tư cần xác định đầu tư dài hạn để có biên độ tăng giá tốt, còn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp BĐS cũng mong chờ các cơ chế chính sách tháo gỡ những bất cập hiện nay, hạn chế tình trạng có văn bản 6 tháng.